Ông Bình cho biết quy trình từ lúc nộp hồ sơ đăng ký cho đến khi hưởng hỗ trợ đã được đơn giản nhất có thể, chỉ mất tối đa 2 ngày cho mỗi công đoạn xác nhận của doanh nghiệp, BHXH, UBND cấp huyện và cấp tỉnh. Trách nhiệm của người lao động trong trường hợp này là chứng minh được bản thân đang thuê nhà trọ bằng cách đề nghị chủ nhà ký vào đơn đăng ký hỗ trợ. Trả lời về việc làm thế nào để xác nhận được chữ ký của người cho thuê nhà trọ, ông Bình cho biết việc này thuộc về trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương. UBND tỉnh sẽ triển khai công việc xuống từng huyện, từng xã, đồng thời lực lượng công an có thể tham gia vào việc xác minh thông tin thuê nhà của người dân thông qua cơ sở dữ liệu dân cư. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, việc thuê nhà của người lao động rất đa dạng nhưng nguyên tắc cơ bản là người dân khi ở trọ phải báo cáo với tổ dân phố và công an khu vực. Do đó, người dân tuân thủ quy định về quản lý nơi cư trú sẽ dễ dàng thụ hưởng chính sách này, cá nhân nào không thực hiện nghiêm sẽ rất khó. “Trách nhiệm xác minh thông tin thuê nhà trọ của người dân thuộc về chính quyền địa phương. Quá trình triển khai thực tế nếu có trường hợp phát sinh mà không được quy định cụ thể trong chính sách, chúng tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp”, ông Thanh cho biết. Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nhận định chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc giữ chân người lao động và phục hồi thị trường. Dù vậy, ông cho rằng tổ chức công đoàn cần có sự giám sát trong việc chi trả hỗ trợ của doanh nghiệp. “Khi nào tỉnh phê duyệt chi ngân sách hỗ trợ xuống doanh nghiệp thì cần thông báo cho tổ chức công đoàn địa phương và các tổ chức liên quan nắm được, để dễ dàng giám sát việc thực thi, chi trả cho người lao động”, ông Quảng đề xuất. Trước đó, tại Quyết định 08 ban hành ngày 28/3, Chính phủ quyết định hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng với người lao động làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm đang ở thuê, ở trọ từ ngày 1/2 đến 30/6. Đồng thời, người lao động phải có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4, đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Theo quy trình, kể từ khi gửi đơn đăng ký nhận hỗ trợ tiền thuê trọ, người lao động mất tối thiểu 11 ngày để nhận được hỗ trợ. Đồng thời, để thúc đẩy người lao động quay lại thị trường, Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng tiền thuê nhà trọ với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu chế xuất hoặc khu vực kinh trọng điểm; đang ở thuê, ở trọ từ 1/4 đến ngày 30/6. Thời hạn hỗ trợ 3 tháng, phương thức chi trả theo từng tháng. Theo zing.vn |